Hậu thần bi kí - 后神碑記 - Kí hiệu: 3197/3198
Thác bản bia xã Ngô Khê huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn 慈山府東岸縣吳溪, đình Hà Khê tổng Hà Khê huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Thác bản 2 mặt, khổ 71 x 123 cm, gồm 37 dòng chữ Hán, toàn văn ước khoảng 600 chữ, có hoa văn, không có chữ húy.
Niên đại: Chính Hòa thứ 23 (1702).
Người soạn: Đặng [Đình Tướng] 鄧廷相, tên hiệu: Chúc Trai; học vị: Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670); chức vị: Công bộ Tả thị lang; tước Ứng Xuyên nam.
Người viết: Đào Đình Giáp 陶廷甲; chức vị: Thị nội Thư tả.
Người khắc: Nguyễn Duy Nhân 阮維仁; chức vị: Thợ đá xã An Hoạch huyện Đông Sơn.
Chủ đề:
– Bầu Hậu, gửi giỗ, biểu dương việc thiện.
– Hành trạng, công tích nhân vật.
– Sinh hoạt làng xã.
– Xây dựng, trùng tu di tích.
Tóm lược nội dung:
Ông Nguyễn Công Nhậm, chức Vương phủ Thị nội Giám ty Lễ giám tri Giám sự Chánh đội trưởng Tứ Trung hầu, có ân huệ nhiều với dân làng. Dân mời ông tham gia việc dựng đình làng. Ông làm hội chủ hưng công dựng đình làng và cúng 2 mẫu ruộng làm ruộng hương hỏa. Dân làng tôn bầu ông làm Hậu thần để báo ơn ông. Định lệ cúng giỗ hàng năm sau khi ông qua đời và kê số ruộng, xứ đồng ruộng đình.
--------------------------------------------------
Dịch nghĩa:
<3197>
Văn bia Hậu Thần
Văn bia thờ phụng xã Ngô Khê huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn.
Ôi! Việc có thể lưu truyền thì nên ghi vào sách, viết sách không đủ thì có thể dựng bia, là để nêu cái nghi thức long trọng, tình cảm nồng hậu đến vô cùng vậy.
Mến nghĩ Vương phủ Thị Nội giám, Tư lễ giám Đồng Tri giám sự, Chánh đội trưởng, Tứ Trung hầu Nguyễn công tên huý là Nhậm, tính trời thư thái, tâm địa hòa bình. Thờ cha mẹ bằng đạo hiếu, họ hàng làng nước đều ngợi khen; thờ bề trên hết lòng trung, cố hữu thân bằng luôn công nhận. Nơi tiềm để thân cận có duyên, chốn cung cấm cần lao gắng sức, mọi người đều đánh giá là người nội thị có tài.
Vào lúc bấy giờ, Thánh thượng thương nhớ bậc kỳ cựu, triều đình khen ngợi bề tôi phò giúp cũ, nên được thăng chức quan cao, được nhận lộc hậu, ơn trạch thấm nhuần như sông nước mênh mang, bóng cây tươi tốt trong chốn sa bà, người gần thì vui vẻ, người ở xa thì mến mộ. Đến nay bản xã, được đội ơn che chở đã lâu, lòng đau đáu muốn báo đáp, bèn bàn bạc với nhau rằng: “Ngài của chúng ta đối với ấp ta, đem điều thiện để khiến người, dùng ân huệ để đãi dân, vốn thế đã lâu. Chúng ta biết phải báo đáp làm sao? Nên đem thờ như thần minh, ngõ hầu xứng đáng. Tuy nhiên, báo đáo mà không để lại dấu tích, thì việc báo đáp ấy không được biểu dương, thì lấy gì để bảo rõ cho đời sau được biết? Vì thế cho nên, báo đáp phải có lý do, từ đời trung cổ về sau, luôn luôn đều như thế. Nay bàn tính, chẳng bằng xin ngài chúng ta dựng cho làng ta một tòa đại đình, dựng bằng gỗ lim, lợp bằng ngói, thuê thợ, tế lễ, tất thảy đều đứng ra thực hiện. Với lại để lại cho làng 2 mẫu ruộng xấu, để chi dùng việc cúng tế ngày sau. Đợi sau khi ngài chúng ta trăm tuổi, thiết bài vị ở bên trái miếu đình, hằng năm vào ngày giỗ, thì bản xã sửa 1 con lợn, 1 mâm xôi, 1 vò rượu để cúng tế. Hằng năm vào đám cầu phúc, thì cúng 1 mâm xôi. Các tiết lễ cơm mới, lễ sắm tết quanh năm cũng tùy nghi cúng tế, lễ sau thờ thần một bậc. Còn ông cụ (bố) của ngài chúng ta cũng bày ở bên phải miếu đình, quanh năm thờ cúng, mãi mãi vô cùng, để trọn vẹn cái nghĩa thi báo đến muôn đời”.
Bàn xong, đem sự tình ấy đến thỉnh. Ngài Nguyễn công biết hậu tình, vui vẻ đồng ý. Từ đó, đình to dựng sừng sững, cung tường lặng lẽ ở giữa trời; ruộng xấu rộng thênh thang, thóc lúa bạt ngàn trên mặt đất. Người tốt, việc tốt, làng có tục tốt, người nghe người xem đều rất lấy làm lạ. Việc xong, đến xin tôi bài văn để ghi lại sự thực.
Ôi! Cho đi và báo đáp ấy là lễ vậy. Mà cho nơi đáng cho, báo điều đáng báo, chẳng phải điều tự nhiên của lý trời và phép dân ư? Đời sau, người sinh ra ở làng này, trông thấy tấm bia này thì nhớ đến đức ấy của ngài, lòng nhớ đến đức ấy thì phải yêu lấy tấm bia này. Hương khói, cúng tế ngài, luôn khiến cho ơn ấy đức ấy của ngài sáng ngời cùng nhật nguyệt, dài lâu cùng sông núi, như thế thì phong tục nhân hậu của xóm làng cũng sáng ngời, dài lâu cùng vậy. Chẳng đúng lắm sao. Vậy nay làm bài ký.
Bấy giờ là:
<3198>
Ngày lành tháng cuối xuân năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702) dựng bia.
Đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất (1670), giữ chức Bồi tụng, Tả Thị lang bộ Công, Tri thuỷ sư, thự Trung thư giám, tước Ứng Xuyên nam là Đặng Chúc Trai soạn.
Thủ khoa khoa Bính Dần (1686), Thị nội thư tả Thuỷ Binh phiên Sở sứ Đào Đình Giáp viết chữ.
Thạch tượng cục Nguyễn Duy Nhân người xã An Hoạch huyện Đông Sơn phủ Thiệu Thiên khắc bia.
Kê khai:
- Ruộng 10 thửa, tổng cộng 2 mẫu:
+ 1 thửa xứ Đống Thông 3 sào; 1 thửa xứ Tầm Vậy 1 sào;
+ 1 thửa xứ Lò Ngói 1 sào rưỡi; + 1 thửa xứ Đống Thung 1 sào rưỡi;
+ 1 thửa xứ Đồng Bông 2 sào; + 1 thửa xứ Đồng Sum 2 sào;
+ 1 thửa xứ Đồng Kinh 5 sào; + 1 thửa xứ Chằm Bất 1 sào;
+ 1 thửa xứ Mái Trước 2 sào; + 1 thửa xứ Đồng Sai 1 sào.
- Họ tên chức sắc quan viên bản xã:
Tạ Danh Dương, Nguyễn Ngạn, Ngô Hữu Năng, Ngô Hữu Tài, Ngô Thì Danh, Nguyễn Lâu, Ngô Công Kiên, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Bố, Nguyễn Tiến Triều, Nguyễn Đăng Xuân, Nguyễn Danh Vọng, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dụng, Ngô Giới, Nguyễn Nhân Hiền, Nguyễn Thế Tài, Ngô Thì Giáo, Nguyễn Trong, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Bính, Nguyễn Tiến Phụng, Nguyễn Thiên Niên, Ngô Tiến, Tạ [], Tạ Long, Ngô Thì Chính, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Văn Điệu, Ngô Thì Bình, Nguyễn Thế [Uy], Ngô Công Cẩn.